TT - “Trước khi vào sống trong trại thực nghiệm, ngay cả những việc đơn giản như nấu nướng, dọn dẹp mình cũng không biết làm. Nhưng giờ mình làm được hết. Như chuyện thiến heo cũng là... bình thường!” 

Nguyễn Duy Cử, trại viên trại nghiên cứu ứng dụng khoa chăn nuôi thú y, cho gà ăn - Ảnh: Thục Trinh
Nguyễn Duy Cử, trại viên trại nghiên cứu ứng dụng khoa chăn nuôi thú y, cho gà ăn - Ảnh: Thục Trinh

Trần Quốc Thắng, sinh viên (SV) năm 3 khoa chăn nuôi thú y Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ như vậy.

Thắng đăng ký vào sống trong trại thực nghiệm khoa chăn nuôi thú y từ đầu năm 2. Sau gần hai năm gắn bó với trại thực nghiệm, Thắng nhận thấy mình tiến bộ mỗi ngày.

Được thực hành mỗi ngày

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có nhiều trại thực nghiệm, thông thường SV chỉ đến đây khi có giờ học thực hành hoặc đến khi làm nghiên cứu, đề tài tốt nghiệp. Tuy nhiên một số SV năng động, ham học hỏi đã đăng ký làm trại viên của các trại thực nghiệm. Các bạn được sống trong trại, được tiếp xúc thực tế môn học mỗi ngày. Mỗi trại thực nghiệm hiện có 5-7 trại viên.

Nhiệm vụ của SV khi trở thành trại viên của các trại thực nghiệm là phụ giúp thầy cô và các SV khác làm đề tài trong trại. Tùy vào đặc thù của mỗi đề tài mà tính chất và mức độ công việc phụ giúp của các trại viên sẽ khác nhau.

Tuy nhiên điểm chung là thông qua việc phụ giúp đó, các bạn được thực hành thường xuyên các kiến thức môn học của mình. Như với Thắng, mỗi ngày ngoài thời gian học Thắng thường đẩy thức ăn lên khu vực nuôi heo, cho heo ăn, phụ mọi người dọn dẹp chuồng trại, tiêm thuốc cho một số con heo đang bệnh rồi ghi chép số liệu về thức ăn, nước uống, độ ẩm, ánh sáng trong chuồng...

 
 

 

Tương tự, SV năm 3 khoa chăn nuôi thú y Nguyễn Mạnh Hổ cũng là trại viên trại nghiên cứu ứng dụng. Hổ cho biết công việc của mình là chuẩn bị chuồng trại cho thầy cô và các SV khác làm đề tài, chăm sóc gà, lấy số liệu, mổ khảo sát và kiểm định chất lượng 
sản phẩm.

Trong khi đó, ở trại thực nghiệm thủy sản, công việc ngoài giờ học của Nguyễn Việt Hùng (SV năm 3 khoa thủy sản) là giúp mọi người thay nước trong các hồ, sửa lại dây sục khí, cho cá ăn, đi các hồ kiểm tra bệnh...

Hùng nói: “Những việc này đều liên quan trực tiếp đến ngành học của mình. Làm những việc này mình được đụng chạm vào chuyên môn ngành học một cách trực quan và thiết thực. Nếu như không đăng ký làm trại viên của trại thực nghiệm thủy sản, mình khó có cơ hội tiếp xúc chuyên môn nghề nghiệp nhiều và sớm như thế, khó có điều kiện được thực hành mỗi ngày như thế”.

Trau dồi kiến thức lẫn kỹ năng

Trung bình mỗi ngày Hổ dành 1-2 giờ cho công việc của trại. Nhờ ngày ngày tiếp xúc với công việc thực tế của môn học trong trại mà Hổ hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về chuyên ngành của mình.

Hổ nói: “Trực tiếp làm việc với vật nuôi trong trại, mình thấy kiến thức thực tế trong chăn nuôi thay đổi liên tục, trong khi chương trình dạy của trường khó thay đổi kịp. Nhờ có công việc trong trại mà mình nhanh nhạy với thực tế chăn nuôi hơn, chủ động trong việc thu thập kiến thức hơn”.

Bên cạnh việc được làm giàu kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, cuộc sống trong trại thực nghiệm cũng nâng cao nhiều kỹ năng khác cho Hổ.

Theo Hổ: “Công việc trong trại thực nghiệm đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, hợp tác của các trại viên với nhau, do vậy kỹ năng làm việc nhóm là kỹ năng quan trọng, được vận dụng và rèn luyện mỗi ngày. Ngoài ra, mọi người còn phải kiểm soát thời gian tốt để vừa hoàn thành công việc của trại vừa đảm bảo thời gian học hành, thời gian cho các hoạt động khác bên ngoài.

Vào trại thực nghiệm mình còn được tiếp xúc với nhiều người, đều là những anh chị, thầy cô có chuyên môn vững về lĩnh vực chăn nuôi, nên mình vừa rèn được kỹ năng giao tiếp, vừa học hỏi được nhiều thứ cho nghề nghiệp tương lai”.

Nguyễn Thành Sương (SV năm 3 khoa thủy sản, trại viên trại thực nghiệm thủy sản) cho biết chuyện làm việc trong trại hoàn toàn là niềm vui, là một kênh học tập hiệu quả. Nhờ tham gia công việc của trại mỗi ngày mà Sương hiểu sâu sát hơn kiến thức ngành học.

Cuộc sống thú vị trong trại thực nghiệm còn giúp Sương thỏa mãn đam mê nuôi trồng của mình. Sương nói: “Mình muốn làm nên mới xin vô trại, càng có việc để làm mình càng khoái”.

Riêng Thắng trước kia là một chàng trai có phần nhút nhát, sau thời gian sống trong trại thực nghiệm Thắng càng ngày càng mạnh dạn hơn, giao tiếp tốt hơn. Các mối quan hệ của Thắng cũng được mở rộng hơn.

Và quan trọng nhất là từ một chàng trai “thiếu kỹ năng do được gia đình lo cho mọi chuyện”, Thắng giờ đây đã tự tin trong mọi việc từ nấu nướng đến làm đường dẫn nước, sửa điện, tiêm chích heo, thiến heo...

Thắng cho biết thêm trở thành trại viên của trại thực nghiệm, thời gian của bạn không còn được dư thừa và tự do như trước. Tết hay hè Thắng không được thoải mái về nhà mà phải cùng các bạn trại viên khác phân công nhau lịch về, để đảm bảo luôn có người trông coi, chăm sóc trại. Tuy nhiên, nhờ những ràng buộc đó mà Thắng sử dụng thời gian của mình hiệu quả và hợp lý hơn.

Trần Quốc Thắng bấm răng cho heo con - Ảnh: Thục Trinh
Trần Quốc Thắng bấm răng cho heo con - Ảnh: Thục Trinh

Vừa học vừa kiếm ra tiền

Vào các trại thực nghiệm làm việc, SV hoàn toàn được miễn phí chỗ ở, thậm chí còn được miễn phí điện, nước. Sản phẩm do SV làm ra được sử dụng trong chính bữa ăn của các bạn. SV còn tự kiếm thêm thu nhập bằng cách cùng nhau nuôi trồng.

Trong trại nghiên cứu ứng dụng của khoa chăn nuôi thú y, Hổ cùng các bạn của mình hùn vốn, tranh thủ lúc trống chuồng các bạn nuôi gà bán, nhất là dịp tết. Hổ nói: “Tụi mình vừa thêm thu nhập vừa tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Mình tự tính toán mọi chi phí, tự làm mọi chuyện như một người chăn nuôi thực thụ”.

Trong khi đó, Hà Thanh Dương (SV năm 2 khoa nông học, trại viên trại thực nghiệm khoa nông học) cùng ba bạn khác trong trại hùn vốn trồng hoa vạn thọ trong dịp tết 2015 kiếm lời được 8 triệu đồng.

Dương nói: “Tranh thủ đất trống trong trại bọn mình trồng hoa bán tết, vừa thực hành được kiến thức môn học vừa kiếm thêm tiền về quê ăn tết”.

Khuyến khích sinh viên vào trại thực nghiệm

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hiện có bảy trại thực nghiệm thuộc các khoa, với khoảng 37 SV đang sinh sống và học tập tại đây. Mỗi khoa có một cách khác nhau để tuyển chọn SV làm trại viên trong trại thực nghiệm.

Tuy nhiên, điểm chung là các khoa đều ưu tiên chọn SV năng động, chịu khó và chăm chỉ làm việc, học tập. Đặc biệt ưu tiên cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả SV đều phải trải qua một cuộc phỏng vấn nhỏ của thầy cô phụ trách trại thực nghiệm trước khi được nhận vào.

ThS Trần Văn Minh - phụ trách trại thực nghiệm khoa thủy sản nhà trường - cho biết: “Trường khuyến khích SV chủ động đăng ký vào các trại thực nghiệm. Đây là môi trường lý tưởng để SV học hỏi, trau dồi kỹ năng, kiến thức môn học.

Bên cạnh đó các trại thực nghiệm còn hỗ trợ SV sinh hoạt phí, nhất là những SV khó khăn. Vào các trại thực nghiệm, SV có điều kiện hơn để phát triển và hoàn thiện bản thân”.


THỤC TRINH
 
(Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150712/truong-thanh-tu-trai-thuc-nghiem/776202.html)

 

Số lần xem trang: 2875
Điều chỉnh lần cuối:

GÓC SINH VIÊN

Hội nhập vào năm nhất đại học (24-10-2015)

Sinh viên ỷ lại, thiếu kỹ năng giao tiếp và... ỳ (06-12-2014)

Những chuyện không đẹp của sinh viên (06-12-2014)

57% sinh viên sư phạm không biết kềm chế cơn giận (26-08-2012)

Những kỹ năng sinh viên Việt Nam cần biết (26-04-2012)

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : ba một bảy bốn năm

Xem trả lời của bạn !

logolink