Nhiều sinh viên năm nhất ĐH Sư Phạm đã tham gia chương trình "Hành trình Sài Gòn" để học những kỹ năng dành cho sinh viên mới - Ảnh: TÂM AN |
Vào đầu tháng 10 hằng năm, phần lớn tân sinh viên sẽ bắt đầu những bước đầu tiên trên giảng đường đại học. Đây là bước chuyển rất lớn trong tiến trình phát triển của một con người, bởi từ đây họ chính thức bước sang một giai đoạn mới, khác hoàn toàn với 12 năm học trước đó.
Trước hết, họ gần như phải thiết lập các mối quan hệ xã hội mới, bởi sau khi tốt nghiệp phổ thông, mỗi bạn gần như đi vào một ngành học riêng, một trường học riêng, do đó những mối quan hệ cũ cũng gần như tan vỡ hoặc dần dần sẽ phai nhạt theo thời gian. Giờ đây khi vào đại học, xung quanh là những người bạn gần như xa lạ với mình từ nguồn gốc xuất thân, những mong đợi riêng...
Xa rời những mối quan hệ cũ là một mất mát lớn về tâm lý, và có thể tân sinh viên sẽ gặp phải tình trạng cô đơn khi vào môi trường đại học. Sự cô đơn ấy còn tăng thêm nhiều hơn nơi những bạn ở các tỉnh phải vào học đại học ở những tỉnh thành khác, bởi giờ đây họ đã phải rời xa mái ấm gia đình vốn là điểm tựa cho tân sinh viên trong suốt thời học phổ thông. Giờ đây họ phải tự thiết kế cuộc sống của mình, phải biết tính toán từng khoản chi tiêu sao cho hợp lý, và phải tự phục vụ cho mình chứ không còn được cha mẹ hay người thân phục vụ nữa.
Việc học ở đại học cũng không còn có nhiều tính kỷ luật như thời phổ thông nữa bởi sinh viên phải tự thiết kế, tự đặt ra kỷ luật trong học tập. Mối quan hệ giữa thầy cô và sinh viên ở đại học cũng lỏng lẻo hơn nhiều so với mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh ở bậc phổ thông. Do đó ở môi trường đại học, sinh viên cũng sẽ ít có cơ hội nhận được sự trợ giúp từ những thầy cô giảng dạy mình.
Có thể nói đối với tân sinh viên, những vấn đề khó khăn mà họ phải đối diện trong thời gian đầu tiên học đại học là rất đáng kể. Vì thế, để có thể hội nhập tốt vào môi trường đại học, tân sinh viên phải tập luyện tính kỷ luật, phải luôn cố gắng suy nghĩ thấu đáo trước mọi việc, nên tham gia ngay vào những tổ chức Đoàn, hội của trường mình đang học để có nơi hỗ trợ và là điểm tựa tinh thần.
Bên cạnh đó, các trường đại học cũng cần phải thiết kế nhiều chương trình để giúp tân sinh viên hội nhập dễ hơn vào môi trường học tập mới cũng như môi trường sống mới của họ. Tân sinh viên phải là đối tượng được quan tâm đầu tiên và sâu sát của các tổ chức Đoàn, hội trong trường đại học.
Do đó các tổ chức Đoàn, hội cần có nhiều hoạt động, nhiều buổi gặp gỡ để tư vấn, hướng dẫn cho các tân sinh viên trong thời gian đầu mới vào trường đại học, đặc biệt là ở những trường đại học không có ký túc xá dành cho sinh viên.
Đại học là nơi dành cho những người trưởng thành. Giờ đây tân sinh viên không còn là những học sinh nữa, mà là những người phải tự chịu trách nhiệm về việc học cũng như cuộc sống của mình. Hãy vào đại học với một tâm thế mới, tâm thế của người trí thức, tâm thế của người trưởng thành.
Đại học là một môi trường đa văn hóa nên các tân sinh viên cần tận dụng thời gian học đại học để xây dựng vốn sống, tri thức của mình. Đừng lãng phí thời gian cho những điều vô bổ, bởi với đa số mọi người, đây là cơ hội học tập chính thức cuối cùng trong đời của mình.
LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
(Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151020/hoi-nhap-vao-nam-nhat-dai-hoc/987898.html)
Số lần xem trang: 2866
Điều chỉnh lần cuối: